Diễn đàn Hành trình khởi nghiệp – SV.Starup 2023 – và Lễ phát động cuộc thi “Sinh viên ETU với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023” -Trường Đại học Hòa Bình

72
03/11/2023

Ngày 02/11/2023, Viện Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Mở phối hợp với phòng CTSV và tư vấn việc làm, các khoa chuyên ngành và các phòng ban chức năng tổ chức diễn đàn “Hành trình khởi nghiệp” Trường Đại học Hòa Bình năm 2023 với sự thu hút đông đảo của rất nhiều sinh viên.

Diễn đàn “Hành trình khởi nghiệp” Trường Đại học Hòa Bình với mong muốn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp & đổi mới sáng tạo (ĐMST) của sinh viên, trang bị kiến thức, kỹ năng phát triển tư duy sáng tạo và đam mê nghiên cứu khoa học trong cộng đồng sinh viên. Nằm trong hoạt động trọng điểm trước cuộc thi “Sinh viên ETU với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023. Diễn đàn là hoạt động có ý nghĩa giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực, góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp; giúp học sinh, sinh viên tự tin, chủ động trong khởi nghiệp, tìm việc, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để sinh viên được lắng nghe những bài học kinh nghiệm và bí quyết khởi nghiệp thành công từ các doanh nhân khởi nghiệp.

Tham gia diễn đàn có sự hiện diện của các quý vị đại biểu, quý vị khách quý là các đại biểu đến từ Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia đồng hành cùng chương trình, Đảng ủy, BHG nhà trường.

Về phía Bộ giáo dục và Đào tạo có sự hiện diện của: Ông Nguyễn Xuân An Việt – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Chính trị và công tác HSSV, Bộ GD & ĐT; Ông Bùi Tiến Dũng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Chính trị và công tác HSSV, Bộ GD&ĐT.

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có sự hiện diện của: Ông Lê Toàn Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ;

Về phía khách mời các chuyên gia đồng hành cùng chương trình có sự hiện diện của: Ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGD Novaedu; Ông Nguyễn Đăng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký CLB Xúc tiến thương mại và Đầu tư doanh nhân trẻ Việt Nam; Ông Trần Đình Tùng – Chủ tịch Hội kỹ sư xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Newedu – Nền tảng nhân lực Gen Z chất lượng cao; Bà Đào Thị Lan Phương – Chủ tịch khối chăm sóc sức khỏe sắc đẹp và Spa thẩm mỹ Việt Nam.

Về phía Đảng ủy – BGH nhà trường có sự hiện diện của: TS. Nguyễn Văn Ngữ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tích HĐ trường; NGND.PGS.TS Tô Ngọc Hưng – Phó bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; GS. Đào Văn Đông – Phó hiệu trưởng thường trực nhà trường; Cùng các thầy cô đại diện cho các phòng, khoa, viện, trung tâm và sự có mặt của toàn thể các bạn sinh viên Trường Đại học Hòa Bình.

NGND.PGS.TS Tô Ngọc Hưng – Phó bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường

Phát biểu khai mạc, NGND. PGS. TS Tô Ngọc Hưng – Phó bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Diễn đàn “Hành trình khởi nghiệp”, Trường Đại học Hòa bình năm 2023 là hoạt động trọng điểm trước cuộc thi “Sinh viên ETU với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023 nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, giảng viên, trang bị kiến thức, kỹ năng phát triển tư duy sáng tạo. Tạo sân chơi học thuật đa dạng gắn với môi trường thực tế, giúp sinh viên, giảng viên hiểu được ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của khởi nghiệp. Đồng thời tuyển chọn dự án “Sinh viên ETU với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023 xuất sắc để tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023 (SV_STARTUP-2023) do Bộ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tổ chức.

Hiệu trưởng cũng gửi gắm đến các bạn sinh viên hãy tích cực chủ động tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, học hỏi và tìm kiếm cơ hội phát triển các dự án của mình. Và mong muốn thông qua những chương trình này sẽ mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho sinh viên Nhà trường, sẽ là sân chơi bổ ích cho các em sinh viên trên con đường chinh phục thành công và sẽ mang màu cờ sắc áo của nhà trường đi thi đấu với các trường bạn nâng tầm vị thế của trường.

Chia sẻ về đề án khởi nghiệp 1665 – Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, Đại diện Bộ giáo dục & Đào tạo, Ông Nguyễn Xuân An Việt – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục và công tác HSSV, Bộ GD&ĐT cho biết: 5 năm triển khai đề án 1665 – Bộ GD&ĐT ban hành đã được đánh giá cao về nội dung, mục tiêu, dự án, và đạt được nhiều thành tựu: 100% các trường Đại học, các Viện, trường Cao đẳng, trường Trung cấp,… đã có những kế hoạch triển khai công tác HSSV khởi nghiệp; 90% học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên đã tuyên tuyền, giáo dục và nâng cao kỹ năng khởi nghiệp; Tỉ lệ sinh viên khởi nghiệp sau 5 năm tổ chức đạt 8%. Để đạt được những mục tiêu trên đã có những chính sách quan trọng, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục như: Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT ngày 19/09/2021 quy định về quản lý và tổ chức hoạt động nghiên cứu Khoa học của sinh viên; Thông tư 07 ngày 23/05/2022 quy định về công tác hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục; Ngày 19/05/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch số 708 về việc triển khai đề án 1665 năm 2023 (Đề án Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025). Trước đề án này, Bộ GD&ĐT đã đề ra 1 số các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV trong toàn quốc và từng bước hình thành sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học để có thể tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho HSSV tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp và có những dự án khởi nghiệp thành công sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt là việc xây dựng, ban hành khung chương trình đào tạo kỹ năng về tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV của tất cả các cấp bậc.

Ông Nguyễn Xuân An Việt – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục và công tác HSSV, Bộ GD&ĐT

Với sứ mệnh và tầm nhìn của mình, nhìn lại những thành tựu của Trường Đại học Hòa Bình, trong nhiều năm qua, nhà trường đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận: Trường đã đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia; Tỉ lệ sinh viên có việc làm đạt từ 70 -90%. Đặc biệt trong những năm gần đây, trường đã phát triển tích cực các hoạt động đào tạo, nghiên cức khoa học, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Sự kiện này cũng là một minh chứng quan tâm của của các thầy cô lãnh đạo nhà trường đối với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

“Nằm trong khuôn khổ chương trình, thể lệ cuộc thi và đề án khởi nghiệp 1665, tôi mong muốn trong thời gian tới, ĐMST sẽ dần được cụ thể hóa trong các nhiệm vụ và gắn liền sự mệnh trong nhà trường, sinh viên. Nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Hòa Bình có thể tham dự vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do Bộ GD&ĐT tổ chức và đạt được nhiều thành tích, thứ hạng cao. Đồng thời gửi gắm tới các bạn sinh viên nhà trường hãy lắng nghe các chuyên gia chia sẻ để trau dồi, học hỏi từ những kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia để không chỉ trong chương trình này, mà những năm tới đây sẽ nhận được nhiều dự án, ý tượng đạt kết quả cao,mang ý nghĩa lan tỏa, tạo động lực đến với nhiều học sinh sinh viên” Ông Nguyễn Xuân An Việt bày tỏ thêm.

Chia sẻ thêm về chương trình và đề án 1665, Ông Lê Toàn Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia – Bộ KH&CN chia sẻ: Đối với chương trình Hành trình khởi nghiệp, HSSV chính là nòng cốt của tri thức và ý tưởng khởi nghiệp. Với đề án này, đã có 6 năm đã và đang phát triển và đã có nhiều thành tựu, có rất nhiều cuộc thi được các chuyên gia, đơn vị đánh giá cao, có tiềm năng trong lương lai và đã có nhiều thành tựu. Đặc biệt, hoạt động chương trình này đã và đang lan rộng đến nhiều nơi, đến vùng sâu, vùng xa, các vùng miền và lan rộng đến cả quốc tế. Một trong những yếu tố rất quan trọng được cấp phép là làng công nghệ được thể hiện các lĩnh vực: Khoa học công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế, tài chính, giáo dục, năng lượng,… và có rất nhiều lĩnh vực liên quan đến trường học, học sinh sinh viên trong giáo dục như: Tuổi trẻ, khởi nghiệp, việc làm,…

Ông Lê Toàn Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia – Bộ KH&CN

Ông Lê Toàn Thắng cũng nhấn mạnh, để thực hiện một dự án khởi nghiệm tốt cần có nhiều yếu tố và mỗi một HSSV cần trang bị, trau dồi rất nhiều kiến thức, kỹ năng và tư duy. Vì vậy, với các sinh viên Trường Đại học Hòa Bình, các em hãy tư duy, học tập, tìm tòi những thông tin bổ ích và có những dự án tiềm năng, nổi bật trong thời gian tới cũng như lan tỏa hơn nữa đến mọi người, bạn bè về một làn sóng khởi nghiệp.

Để sinh viên Nhà trường có cái nhìn tổng quan về chương trình, cũng như lắng nghe, trau dồi thêm về kiến thức, kinh nghiệm của những chuyên gia khởi nghiệp thành công. Sau Lễ phát động cuộc thi Startup 2023 là Diễn đành hành trình khởi nghiệp, trao đổi thảo luận giữa sinh viên với các diễn giả của chương trình. Diễn đàn được tổ chức nhằm mang đến bức tranh tổng thể rõ ràng hơn về khởi nghiệp, giúp các bạn sinh viên có thể nhận thức đầy đủ về chương trình. Tại buổi tọa đàm, sinh viên nhà trường còn được giải đáp các thắc mắc, tháo gỡ các khó khăn mà các bạn trẻ gặp phải trên con đường khởi nghiệp, những lời khuyên và định hướng việc làm, khởi nghiệp cho các bạn sinh viên.

Thành phần diễn đàn gồm có: Ông Trần Đình Tùng – Chủ tịch Hội kỹ sư xây dựng Việt Nam – VSCE, chủ tích Newedu – Nền tảng Nhân lực gen Z chất lượng cao; Ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Novaedu; Ông Nguyễn Đăng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký CLB XTTM và Đầu tư doanh nhân trẻ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Viện trưởng Viện Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Mở, Trường Đại Học Hòa Bình làm HOST diễn đàn.

Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ về những kinh nghiệm xương máu về hành trình khởi nghiệp của mình, các chuyên gia đã giải thích đến sinh viên hiểu rõ về khởi nghiệp là gì? Khởi nghiệp có khó không? Cần những yếu tố gì để khởi nghiệp? Và cả những câu chuyện buồn, vui trong hành trình khởi nghiệp thực tế của các chuyên gia? Những khó khăn các chuyên gia gặp phải và làm sao để vượt qua những khó khăn?…

Bên cạnh đó, còn là những chia sẻ, suy nghĩ, khó khăn vướng mắc của các bạn sinh viên Trường Đại học Hòa Bình, các chuyên gia đã giúp các bạn sinh viên khám phá bản thân và thêm khát vọng động lực, bước đầu trong hành trình khởi nghiệp. Qua những chia sẻ đầy tầm huyết của các chuyên gia đã đem lại nhiều giá trị cùng nhiều thông điệp bổ ích cho các bạn sinh viên, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, giúp sinh viên trang bị, định vị bản thân rõ ràng, dám nghĩ dám làm,…

Diễn đàn được diễn ra thành công rực rỡ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, giúp các em có những kiến thức, kỹ năng và cơ hội cần thiết để khởi nghiệp thành công, tạo động lực tin vào chính bản thân mình, sẵn sàng đam mê khởi nghiệp, có ý tưởng hoài bão, trở thành những nhà doanh nhân trẻ thành công trong tương lai. Đồng thời đây cũng chính là cơ hội để sinh viên được lắng nghe những chia sẻ, bài học kinh nghiệm khởi nghiệp thành công từ các doanh nhân khởi nghiệp.