Kết quả điều trị phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp háng do gãy cổ xương đùi tại Bệnh viện E năm 2021 – 2022
BSCKII. Vũ Xuân Triển1, TS. Đỗ Chí Hùng2, TS. Nguyễn Hoài Nam3, CN. Đỗ Hồng Châu4, ThS. Nguyễn Trường Nam5, ThS. Mai Lệ Huyền6, KTV. Hoàng Kim Hoàn7, KTV. Lê Thị Thuận8 – 1,5,6,7,8Bệnh viện E, 2Trường Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội, 3Trường Đại học Y Hà Nội, 4Trường Đại học Hòa Bình
Tóm tắt:
Phục hồi chức năng sớm sau mổ thay khớp háng được chứng minh là có hiệu quả và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Tìm hiểu về đặc điểm lâm sàng và kết quả phục hồi chức năng ở những bệnh nhân sau phẫu thuật cung cấp cái nhìn toàn diện về điều trị, tiên lượng bệnh và giảm thời gian nằm viện nội trú.
Mục tiêu: Đánh giá kết quả điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mổ thay khớp háng do gãy cổ xương đùi.
Đối tượng, phương pháp: Nghiên cứu can thiệp, so sánh kết quả trước và sau điều trị, tiến hành khảo sát 73 người bệnh sau phẫu thuật thay khớp háng được điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện E từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022.
Kết quả: Tuổi trung bình là 78,75 ± 8,5, cao nhất là 99 tuổi, đa số không hút thuốc và uống rượu, bệnh lý mạn tính chiếm tỉ lệ cao nhất là thoái hoá khớp – loãng xương (75,3%), thấp nhất là tai biến mạch máu não (TBMMN) (9,6%). Kết quả sau can thiệp đều có cải thiện về số ngày nằm viện, điểm đau (VAS), hoạt động sinh hoạt hằng ngày (ADL), tầm vận động khớp háng, và sự khác biệt đều có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Sự cải thiện chung hầu hết ở mức tốt (61,6%).
Kết luận: Bước đầu xác định hiệu quả tích cực và vai trò quan trọng khi can thiệp điều trị phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp háng do gãy cổ xương đùi.
Từ khóa: Phục hồi chức năng, thay khớp háng.