Trường Đại học Hòa Bình chủ động kết nối vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp năng động, sáng tạo và bền vững tại Việt Nam

Sáng Thứ Năm ngày 06 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, theo lời mời của đối tác, đại diện Trường Đại học Hòa Bình đã tham dự Hôi thảo “Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp năng động, sáng tạo và bền vững tại việt Nam” (gọi tắt là Hội thảo). Hội thảo do Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công Nghệ (NATEC), Viện Đổi mới Sáng tạo Mở và Doanh nhân Công nghệ (OITI) và Liên minh vì sự thịnh vượng kỹ thuật số cho châu Á (DPA) phối hợp tổ chức. NGND. PGS. TS Tô Ngọc Hưng trưởng đoàn đại biểu Trường Đại học Hòa Bình tham dự sự kiện.

Các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân cùng chung hướng tới Đổi mới sáng tạo Mở, Hà Nội, tháng 7/2023

Tham dự Hội thảo, về phía Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN có ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng và đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban trong Cục. Về phía Liên minh DPA có Benjamin Wong, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành, Kinobi; Ông Sabrina Wang, Giám đốc điều hành, People’s Inc và các chuyên gia quốc tế. Tham dự Hội thảo còn có đại diện của Viện nghiên cứu khối Bộ ngành và các Quỹ, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề bao gồm: Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bà Thạch Lê Anh, Chủ tịch Quỹ Vietnam Silicon Valley, Ông Trọng Khánh, Chuyển đổi số Quốc gia Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam; Ông Lê Tấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Trường CNTT&TT, ĐH Bách Khoa; Ông Toan Do, Giám đốc Quốc gia về Tập đoàn và Doanh nghiệp vừa và nhỏ, AWS; Ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam và Ông Charlie Hartono, Đối tác, EngageRocket. Về phía Trường Đại học Hòa Bình có NGND.PGS.TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Lê Thị Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế.

Hội thảo là diễn đàn quy tụ những người tiên phong về đổi mới sáng tạo mở trong nước và quốc tế, đại diện từ nhiều bên gồm chính phủ, doanh nhân và khối Viện, Trường. Tại đây các đại biểu sôi nổi thảo luận chia sẻ câu chuyện, góc nhìn về đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở qua 2 tham luận và 2 tọa đàm. Đại diện của VINASA đã chia sẻ về tổng quan bức tranh và nêu bật tầm quan trọng của công nghệ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Bà Đỗ Thị Thu Huyền, Giám đốc đào tạo và Trưởng đại diện Khu vực Bắc Âu, Viện Đổi mới Sáng tạo Mở và Doanh nhân Công nghệ (OITI) đã chia sẻ về Mô hình Đổi mới Mở – Hội tụ doanh nghiệp, liên kết chuỗi giá trị và mở rộng thị trường, và sáng kiến mạng lưới GIPA.

Ông Benjamin Wong, nhà đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Kinobi giới thiệu về Liên minh DPA, Hà Nội, tháng 7/2023

Tiếp đó, các báo cáo viên trong Tọa đàm 1 về “Mở khóa toàn cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) chuyển đổi số và khởi nghiệp” đã thảo luận sôi nổi và cùng thống nhất rằng Chính phủ Việt Nam đã nhận định được những doanh nghiệp SMBs và khởi nghiệp sẽ là một trong những nguồn động lực quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế cho đến năm 2040. Chìa khóa để thực hiện điều này sẽ là trang bị cho các doanh nghiệp SMBs và khởi nghiệp của Việt Nam những công cụ họ cần để mở rộng ra toàn khu vực.

Các chuyên gia trong Tọa đàm về “Mở khóa toàn cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) chuyển đổi số và khởi nghiệp” tại Hội thảo, Hà Nội, tháng 7/2023

Điều này sẽ đòi hỏi sự chia sẻ và phối hợp tích cực với chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và các thành viên DPA từ khắp khu vực để thúc đẩy khung pháp lý và xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi. Hội thảo này đã tập trung chia sẻ các phương pháp tiếp cận đa phương để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp SMB Việt Nam trong quá trình các DNNVV này phát triển hoạt động chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của mình trên quy mô quốc gia, khu vực và cuối cùng là toàn cầu.

Quang cảnh tọa đàm Đổi mới sáng tạo mở, Hà Nội, tháng 9/2023

Phiên Tọa đàm số 2 “Hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp SMBs và khởi nghiệp Việt Nam dưới góc độ đổi mới sáng tạo mở” bao gồm các câu chuyện nổi bật từ chủ thể tiên phong trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Câu chuyện mua sắm công dưới góc độ đổi mới sáng tạo mở, kinh nghiệm quốc tế và hướng gợi mở cho Việt Nam. Cách thức liên kết doanh nghiệp SMBs chuyển đổi số trong DPA và DNNVV và khởi nghiệp Việt Nam. Cách thức doanh nghiệp DPA tham gia sáng tạo và thử nghiệm với Chính phủ Việt Nam theo mô hình quốc tế thành công, khuyến nghị chính sách mở đường cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam”.

NGND.PGS.TS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình trao đổi ý kiến về bối cảnh, thực trạng và đề xuất phát triển DNNVV đổi mới sáng tạo bền vững, Hà Nội, tháng 7/2023

Trong phiên Tọa đàm số 2, NGND.PGS.TS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình đã có bài phát biểu trao đổi về “Những vấn đề cần quan tâm đối với thúc đẩy DNVVN khởi nghiệp năng động đổi mới sáng tạo phát triển bền vững”. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nửa đầu năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý I năm 2023 tiếp tục đà chậm lại từ quý IV năm 2022 và ước tính sang Quý II năm 2023 tăng 4,14% so với cùng kỳ, chỉ cao hơn tốc độ tăng của quý II năm 2020 trong giai đoạn từ năm 2011 tới nay. PGS.TS. Tô Ngọc Hưng đã khái quát 5 điểm hạn chế chính trong thực trạng DNNVV về cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn, nguồn lực triển khai, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh và các hạn chế nội tại của DNNVV. Trên cơ sở những điểm hạn chế đó, PGS.TS. Tô Ngọc Hưng đề xuất 7 điểm cần chú trọng đổi mới sáng tạo để thúc đẩy DNVVN khởi nghiệp năng động đổi mới sáng tạo phát triển bền vững. Phát biểu của PGS.TS. Tô Ngọc Hưng đã mở ra phần thảo luận sôi nổi cùng với các ý kiến trao đổi từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Liên minh DPA và chuyên gia ĐMST của Hàn Quốc.

Kết luận Hội thảo, TS. Phạm Hồng Quất khẳng định Việt Nam cần tự làm mới mình, từng cá nhân, tổ chức cần thấm nhuần tinh thần Đổi mới sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, tinh thần khởi nghiệp để hướng đến mở, chia sẻ và cùng tiến bộ. Đồng thời, sự chủ động đổi mới sáng tạo của Viện, Trường, Doanh nghiệp và các thành viên trong hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở là yếu tố tiên quyết để từng bước tạo đà đưa Việt Nam lên bệ phóng ĐMST bước vào một thời kỳ phát triển mới./.