Toạ đàm “Nâng cao chất lượng dạy và học gắn với chuyển đổi số tại Trường Đại học Hoà Bình”

50
29/04/2023

Chất lượng dạy và học luôn là vấn đề quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển, uy tín và thương hiệu của tất cả các trường đại học. Việc phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học được xem là nhiệm vụ hàng đầu tại Trường Đại học Hoà Bình (ĐHHB). Đặc biệt, những thay đổi của bối cảnh xã hội càng đặt ra những yêu cầu cấp thiết về việc đổi mới, cải tiến và tăng cường phương pháp dạy và học, nhất là giáo dục đại học, để đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước… và quan trọng là khi Trường ĐHHB đang thực hiện chiến lược phát triển đa ngành và bền vững.

Nhằm tiếp tục đổi mới và hoàn thiện công tác dạy và học, hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS)ngày 28/4/2023, Trường ĐHHB đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Nâng cao chất lượng dạy và học gắn với chuyển đổi số tại Trường Đại học Hoà Bình”.

Tham dự buổi tọa đàm, có: Chủ tịch Hội đồng Trường; Ban Giám hiệu; lãnh đạo các Khoa, Phòng, Viện, Trung tâm và toàn bộ giảng viên trong Trường (không có giờ lên lớp).

Sau phần Đề dẫn Tọa đàm, ThS. Dương Văn Bá – Phó trưởng phòng, Phụ trách Phòng Đào tạo Đại học và Sau Đại học trình bày báo cáo thực trạng hoạt động dạy và học gắn với CĐS tại Trường Đại học Hòa Bình, đưa ra bức tranh tương đối chi tiết, đầy đủ và sinh động về hoạt động dạy và học tại Trường, đồng thời, gợi mở một số vấn đề cần tập trung thảo luận tại Toạ đàm để phát huy những điểm mạnh và khắc phục, tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong hoạt động dạy và học tại Trường.

Đã có 4 tham luận được các Khoa chuẩn bị nội dung và cử đại diện trình bày tại Toạ đàm. Cũng tại đây, có 9 lượt ý kiến đóng góp bám sát chủ đề buổi Toạ đàm, tạo ra không khí trao đổi sôi nổi, hào hứng và mang lại hiệu quả cao cho buổi Tọa đàm.

ĐHHB
ThS. Dương Văn Bá trình bày Báo cáo tại Toạ đàm
ĐHHB
TS. Lê Thanh Huyền trình bày tham luận tại Toạ đàm

Với tham luận: “Vai trò của Khoa, Bộ môn, giảng viên trong quản lý dạy và học tại Trường Đại học Hòa Bình“, TS. Lê Thanh Huyền, Phó trưởng Khoa Luật và Tài chính Ngân hàng – Kế toán đã khẳng định lợi ích của việc đưa công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy và phân tích vai trò quan trọng của Khoa, Bộ môn, giảng viên (GV) trong quản lý dạy và học. Từ đó, đề xuất một số giải pháp tăng cường nâng cao chất lượng dạy học tại Trường ĐHHB như: Giảng viên cần chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực nghiên cứu khoa học, tăng thời lượng giờ thực hành cho sinh viên (SV) và không ngừng trau dồi nghiệp vụ sư phạm.

Tham luận thứ hai do ThS. Đỗ Thị Hiền, Phó trưởng Khoa QHCC, TTĐPT và CTXH trình bày với nội dung “Đổi mới phương pháp dạy học gắn với chuyển đổi số tại Trường Đại học Hòa Bình” đã giới thiệu các phương pháp giảng dạy chủ yếu hiện đang sử dụng hiệu quả đối với đào tạo ngành Quan hệ công chúng và khẳng định GV cần linh hoạt sử dụng và phối kết hợp các phương pháp giảng dạy để mang lại hiệu quả, chất lượng đào tạo.

Tham luận “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thực hành, thực tập cho sinh viên khối ngành Kinh tế tại Trường Đại học Hòa Bình”, ThS. Lâm Thị Thảo, GV Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh trình bày thực trạng của công tác thực hành, thực tập của sinh viên khối ngành Kinh tế – Trường ĐHHB; từ đó, đưa ra một số đề xuất đối với nhà trường và khoa, với giảng viên, sinh viên và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng thực hành, thực tập đối với sinh viên khối ngành Kinh tế.

ThS. Mai Văn ThôngGV Khoa Y học cổ truyền trong tham luận “Tổ chức dạy và học gắn với đặc thù khối ngành Sức khỏe trong chuyển đổi số của Khoa Y học cổ truyền – Trường Đại học Hòa Bình” đã chỉ rõ lợi ích của công nghệ số đối với hoạt động dạy và học ngành Y học cổ truyền như việc sử dụng máy chiếu vật thể ứng dụng trong dạy Đông dược, mô hình châm cứu điện tử và các thiết bị điện tử, phần mềm học Huyệt vị kinh lạc, các phần mềm ứng dụng trong bộ môn Giải phẫu hay các máy móc ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị…

Phần tiếp theo, các đại biểu tham gia Toạ đàm đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng dạy và học gắn với CĐS tại Trường.

ĐHHB
GS.TS Trần Trung trao đổi ý kiến tại Toạ đàm
ĐHHB
PGS.TS Nguyễn Thị Thịnh trao đổi ý kiến tại Toạ đàm

TS. Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch Hội đồng Trường khẳng định chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc vào ba yếu tố cơ bản, gồm: khung chính sách, bản thân các trường đại học và các yếu tố nội tại trong quá trình dạy và học. Do vậy, chất lượng đào tạo gắn liền với chất lượng dạy học và vai trò của GV. GV cần chủ động nâng cao năng lực giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn và đổi mới phương pháp giảng dạy.

GS.TS Trần Trung và TS. Đào Hải, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng bày tỏ quan điểm cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng GV, coi đó là yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng dạy và học. Muốn vậy, GV cần phải trân trọng người học, giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ sư phạm, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nghiêm túc tự đánh giá và không ngừng cập nhật, hoàn thiện kiến thức, bám sát thực tiễn để làm phong phú bài giảng và tăng sức hấp dẫn cho sinh viên.

Ngoài ra, các ý kiến khác cũng bàn sâu về vấn đề đổi mới phương pháp dạy học của GV, chia sẻ những kinh nghiệm trong giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tế và thực tập để nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường ĐHHB trong thời gian tới.

Để tổng kết lại các nội dung chính của buổi Toạ đàm và rút ra chương trình hành động tiếp sau buổi Toạ đàm, NGND. PGS.TS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường đã phát biểu kết luận và chỉ ra 09 nhiệm vụ cần phải thực hiện ngay để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học gắn với CĐS tại Trường, bao gồm:

ĐHHB
NGND. PGS.TS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường trình bày kết luận

Một là, GV cần chủ động thay đổi nhận thức và thấy được vai trò quan trọng của mình trong hoạt động dạy và học tại nhà trường. Sau Toạ đàm, các Khoa cần triển khai họp bàn, trao đổi với GV để thống nhất về mặt tư tưởng và đưa ra các kế hoạch hành động cụ thể.

Hai là, về bài giảng và học liệu: Yêu cầu GV cung cấp đầy đủ cho người học trước khi tổ chức giảng dạy. Đối với mỗi học phần, GV phải hướng dẫn các tài liệu bắt buộc và tài liệu tham khảo cho sinh viên (SV), và phối hợp với Thư viện để xây dựng học liệu cho SV nghiên cứu, tự học.

Ba là, về năng lực chuyên môn của GV, Ban Chủ nhiệm Khoa có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên môn của GV. Kết thúc năm học 2022-2023, Khoa có báo cáo đánh giá năng lực chuyên môn của GV trong Khoa và đề xuất kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho GV trong năm học tới.

Bốn là, về phương pháp giảng dạy: Khoa cùng GV chủ động phối hợp, lồng ghép các phương pháp giảng dạy gắn với đặc thù ngành đào tạo để nâng cao hiệu quả, chất lượng giờ dạy.

Năm là, GV cần tăng cường vai trò trong hoạt động tổ chức dạy học. Mỗi giờ lên lớp, nhiệm vụ của GV không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà cần đẩy mạnh sự tương tác với SV, thực hiện tốt việc quản lý SV, rèn cho SV tác phong, ý thức, đạo đức và tính kỷ luật.

Sáu là, GV cần bám sát chương trình đào tạo, tuân thủ đề cương chi tiết học phần được duyệt để tổ chức dạy học đảm bảo đúng quy định.

Bảy là, Khoa phối hợp với Phòng Đào tạo Đại học và Sau Đại học xây dựng, đề xuất với Ban Lãnh đạo Trường kế hoạch tập huấn cho GV về nâng cao chuyên môn ở một số lĩnh vực và phương pháp giảng dạy.

Tám là, cần xây dựng ngân hàng đề thi cho các học phần trong mỗi chương trình đào tạo, triển khai và thực hiện ngay để năm học 2023-2024, Trường có ngân hàng câu hỏi đề thi.

Chín là, GV tích cực ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực dạy và học, chủ động kết hợp dạy trên lớp với việc giới thiệu các nguồn tài liệu, dữ liệu trên không gian số cho SV tham khảo, nghiên cứu.

Qua việc trao đổi cởi mở, tâm huyết và chân thành của các đại biểu, có thể thấy, một thông điệp được lan toả sau buổi Toạ đàm chính là việc GV nhận thấy trách nhiệm, vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy học, nhất là, việc dạy học gắn với bối cảnh CĐS hiện nay, để từ đó, mỗi GV sẽ tích cực thay đổi từ nhận thức đến hành động.

ĐHHB
Lãnh đạo Nhà trường chụp ảnh cùng các cán bộ, giảng viên tại Toạ đàm