Tọa đàm “Đẩy mạnh Hoạt động nghiên cứu Khoa học của Sinh viên Trường Đại học Hòa Bình”

51
12/04/2023

Với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên (SV) Trường Đại học Hòa Bình (ĐHHB) nhằm hình thành tư duy và phương pháp NCKH, nâng cao kiến thức chuyên môn, phát huy tính năng động và phát triển tư duy sáng tạo của SV, ngày 31/3/2023, Trường ĐHHB đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường ĐHHB”.

Đến dự buổi tọa đàm, có: Chủ tịch Hội đồng Trường; Ban Giám hiệu; lãnh đạo các Khoa, các phòng: Hành chính – Tổ chức – Quản trị và Thanh tra – Pháp chế, Đào tạo Đại học và Sau Đại học, Quản lý chất lượng, Kế hoạch – Tài chính, Công tác sinh viên và Tư vấn việc làm; lãnh đạo các Viện: Nghiên cứu Khoa học, Đào tạo Quốc tế và toàn bộ giảng viên trong Trường (không có giờ lên lớp).

Phát biểu Đề dẫn tọa đàm, TS. Lê Thị Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học khẳng định: “Hoạt động NCKH là một hoạt động không ngừng nghỉ của sinh viên từ lúc bắt đầu bước vào giảng đường đại học cho đến khi ra trường. Thậm chí, sẽ theo các em trong suốt quãng đường lập nghiệp sau này. Để phong trào sinh viên NCKH của Trường ĐHHB phát triển thì cần có sự hỗ trợ, động viên khích lệ của cả Lãnh đạo Trường, Khoa và quan trọng nhất là giảng viên giảng dạy”.

Đã có 9 tham luận được các Khoa, Viện gửi đến tham gia thảo luận, Ban tổ chức chọn ra 5 tham luận trình bày tại buổi tọa đàm. Cũng tại đây, đã có hơn 10 lượt ý kiến đóng góp bám sát chủ đề buổi Tọa đàm, tạo ra không khí trao đổi sôi nổi, hào hứng và đặc biệt là mang lại hiệu quả cao cho buổi tọa đàm.

PGS.TS Hoàng Minh Chung trình bày tham luận tại Toạ đàm
ThS. Trần Thị Mai trình bày tham luận tại Toạ đàm
ThS. Nguyễn Thị Thuỷ Tiên trình bày tham luận tại Toạ đàm
TS. Ngô Trí Trung trình bày tham luận tại Toạ đàm

Với tham luận: “Sinh viên Khoa KT&QTKD với nghiên cứu khoa học – Thực trạng và giải pháp”, ThS. Hà Văn Thủy, Phó trưởng Khoa KT&QTKD đã trình bày thực trạng NCKH của SV Khoa, chỉ ra các nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến phong trào và hiệu quả NCKH của sinh viên trong Khoa, và đề xuất ba nhóm giải pháp để có thể đưa phong trào và chất lượng NCKH của sinh viên trường ĐHHB nói chung và sinh viên khoa KT và QTKD nói riêng được nâng lên, bao gồm: giải pháp đối với nhà trường, giải pháp đối với cán bộ, giảng viên hướng dẫn và giải pháp đối với sinh viên.

Tham luận thứ hai của chương trình tọa đàm với nội dung “Nghiên cứu khoa học đối với sinh viên Y học cổ truyền – Cơ hội và thách thức”, PGS.TS Hoàng Minh Chung, Trưởng Khoa Y học cổ truyền tập trung chỉ ra các phương pháp nghiên cứu của sinh viên Y học cổ truyền, phân tích các cơ hội, thách thức đối với sinh viên và giảng viên Y học cổ truyền trong thực hiện đề tài NCKH, và khẳng định thầy cô có vai trò quan trọng trong việc lan toả đam mê NCKH cho SV và hoạt động NCKH của SV Y học cổ truyền mang lại nhiều lợi ích cho SV, góp phần bảo tồn và phát triển nền y học cổ truyền của dân tộc.

Với tham luận “Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Ngoại ngữ – Du lịch”, ThS. Trần Thị Mai, Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ – Du lịch đã trình bày 4 nội dung sau: (i) Thực trạng công tác NCKH của SV Khoa Ngoại ngữ – Du lịch, (ii) Một số giải pháp phát triển kỹ năng NCKH cho SV; (iii) Kế hoạch NCKH của SV Khoa Ngoại ngữ -Du lịch năm 2023 và (iv) Một số đề xuất với lãnh đạo Nhà trường.

Tham luận “Vai trò của giảng viên trong việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên” của ThS. Nguyễn Thị Thủy Tiên, Phó trưởng Khoa Luật và TCNH-KT tập trung làm rõ yếu tố quyết định để phong trào sinh viên NCKH của Trường phát triển chính là giảng viên giảng dạy. Thầy cô hướng dẫn thường xuyên tìm tòi nghiên cứu các đề tài mới mang tính thời sự và phổ biến đến các em sinh viên. Thầy cô không những thúc đẩy niềm đam mê NCKH cho sinh viên, mà còn gắn kết việc học song hành với việc NCKH, góp phần giúp hoạt động NCKH của sinh viên không ngừng phát triển.

TS. Ngô Trí Trung, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế đã mang đến cho buổi Tọa đàm phần tham luận hết sức thú vị, chia sẻ những kinh nghiệm của các đơn vị giáo dục quốc tế về việc cần thay đổi tư duy người học về NCKH và các sáng kiến tạo động lực NCKH cho SV, trong đó, nhấn mạnh 2 giải pháp cần thực hiện để đẩy mạnh hoạt động NCKH cho SV Trường ĐHHB là dạy đọc và dạy viết, trên cơ sở lập luận vừa chặt chẽ, logic, vừa hóm hỉnh nhưng cũng đầy thuyết phục.

Phần tiếp theo của buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến khuyến nghị nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong Trường, nhất là về thông tin, về chế độ chính sách để thu hút nhiều hơn nữa SV tham gia NCKH. lãnh đạo các Khoa: Dược, CNTT&ĐTVT, QHCC-TTĐPT &CTXH, MTCN&KT; cùng lãnh đạo các phòng chức năng như: Đào tạo Đại học và Sau Đại học, Công tác sinh viên và Tư vấn việc làm đã chia sẻ nhiều ý kiến thiết thực xoay quanh chủ đề Tọa đàm.

TS. Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch Hội đồng Trường trao đổi ý kiến tại Toạ đàm
GS.TS Đào Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Thường trực trao đổi ý kiến tại Toạ đàm

Đặc biệt là ý kiến mang tính chỉ đạo, thể hiện sự quan tâm của TS. Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch Hội đồng Trường. Thầy đề xuất Nhà trường cần khẩn trương hình thành các nhóm nghiên cứu, tạo ra cảm hứng nghiên cứu cho SV và giảng viên (GV) trong toàn Trường, đồng thời, khuyến khích GV cho SV tham gia đề tài, tổ chức các câu lạc bộ NCKH cho SV. Nhà trường cam kết sẽ dành khoản chi phí phù hợp để phát triển hoạt động NCKH cho toàn Trường nói chung và NCKH của SV nói riêng.

GS.TS Đào Văn Đông, Phó Hiệu trưởng thường trực Nhà trường cũng khẳng định người thầy chính là nội dung, là xuất phát điểm, là phương pháp, mấu chốt để đẩy mạnh hoạt động NCKH của SV. Người thầy sẽ truyền cảm hứng cho SV và hướng dẫn SV làm “chồi non” trong cây khoa học, không nên quá trầm trọng hoá hoạt động NCKH của SV, mà hãy xây dựng một lộ trình phát triển lâu dài, từng bước định hình và nỗ lực cho hành trình vững chắc trong tương lai.

Để tổng kết lại các nội dung chính của buổi Toạ đàm và rút ra chương trình hành động tiếp sau buổi Toạ đàm, NGND. PGS.TS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường đã phát biểu kết luận và chỉ ra ba yếu tố quan trọng để đẩy mạnh hoạt động NCKH của SV Trường ĐHHB, bao gồm: Người thầy; sinh viên và cơ chế, chính sách của Nhà trường. Trong đó:

Đối với người thầy: Cần phải thay đổi phương pháp dạy học, tăng cường thảo luận, làm bài tập nhóm, gợi mở cho sinh viên, buộc sinh viên phải đọc sách và tự nghiên cứu. Khẳng định vai trò của các thầy cô là không thể thiếu được trong hỗ trợ SV làm NCKH. Xác định rõ hoạt động NCKH là một lĩnh vực quan trọng để GV tự khẳng định mình. Khó có thể nói rằng nếu một GV được đánh giá là có năng lực chuyên môn tốt nhưng hàng năm lại không có công trình khoa học nào. Do đó, GV cần chủ động thực hiện các nhiệm vụ KH&CN quan trọng như nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo; tích cực tìm kiếm các biện pháp mới nâng cao chất lượng nghiên cứu cũng như phương pháp nghiên cứu cho bản thân. Bên cạnh công việc giảng dạy, GV cần chủ động phát triển các nhóm nghiên cứu theo chuyên môn, chủ động trau dồi kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, học tập không ngừng trong bối cảnh xã hội mới nhằm bắt kịp xu hướng và môi trường nghiên cứu có nhiều biến động.

Đối với sinh viên: Cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên là SV về vai trò to lớn của công tác NCKH; Tạo môi trường và cơ chế hoạt động khởi nghiệp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp ngay từ những năm đầu đại học; Bố trí, đầu tư cơ sở vật chất, thành lập các trung tâm hỗ trợ SV khởi nghiệp, câu lạc bộ khởi nghiệp phù hợp với nhóm ngành đào tạo trong trường; tạo môi trường không gian dùng chung cho SV. Cần xây dựng Quỹ hỗ trợ SV tham gia nghiên cứu từ nguồn kinh phí xã hội hóa; hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức đối với các dự án được hình thành từ các ý tưởng nghiên cứu của SV.

NGND. PGS.TS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường kết luận tại Toạ đàm

Về cơ chế, chính sách của Nhà trường: Cần đổi mới công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo và hoạt động NCKH và coi đây là một cấu thành của quy trình đào tạo trong Nhà trường. Triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác NCKH trong SV. Đưa NCKH sinh viên là một phần bắt buộc trong chương trình giảng dạy của giảng viên và đào tạo của từng khoa. Có chính sách, chế tài cụ thể nhằm động viên phát triển đội ngũ nghiên cứu trong SV, đầu tư cho những sân chơi khoa học, tạo điều kiện giao lưu với các trường khác nhằm học hỏi kinh nghiệm và phát huy khả năng sáng tạo của SV.

Buổi tọa đàm kết thúc, gợi mở hướng đi mới, tạo tinh thần khởi sắc cho niềm đam mê nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên và sinh viên Trường ĐHHB.