Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật đột quỵ chảy máu não tại Bệnh viện Quân y 103

69
28/12/2022

BSNT. Nguyễn Văn Ngọc 1, PGS.TS. Bùi Ngọc Tiến2 – 1Bệnh viện Quân y 103;  2Khoa Y, Trường Đại học Hòa Bình

Tóm tắt:

Bài viết đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật đột quỵ chảy máu não tại Bệnh viện Quân y 103 và xác định các yếu tố liên quan đến kết quả xấu khi ra viện bằng phương pháp nghiên cứu mô tả loạt ca với 45 bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ chảy máu não (CMN) tại Bệnh viện Quân y 103 từ tháng 3/2019 đến tháng 11/2020. 45 bệnh nhân có tuổi trung bình là 56,38 ± 11,56 tuổi, độ tuổi từ 50 – 70 chiếm tỉ lệ cao nhất với 57,78%. Tiền sử tăng huyết áp là 93,3%; triệu chứng lâm sàng chính là: đau đầu (86,67%), nôn (57,78%), liệt nửa người (100%). Điểm Glasgow trung bình tại các thời điểm: nhập viện là 10,13 ± 2,76, trước mổ là 8,78 ± 2,03, ra viện 11,60 ± 3,78. Tỉ lệ vị trí ổ máu tụ vùng hạch nền, đồi thị là 73,33%, thùy não là 20%, cả 2 vị trí là 6,67%. Thể tích ổ máu tụ trung bình 66,11 ± 22,81ml, di lệch đường giữa 8,53 ± 4,25mm. Tỉ lệ CMN có chảy máu não thất là 55,55%, điểm Graeb từ 1-4 điểm, chiếm 64%. Khoảng cách từ bề mặt nhu mô não đến ổ máu tụ trung bình 0,78 ± 0,62cm, trong đó, khoảng cách ≥1cm chiếm 42,42%. Phẫu thuật mở sọ giải áp, lấy máu tụ thực hiện trên 11 bệnh nhân (24,44%), trong khi đó, phẫu thuật mở sọ, lấy máu tụ thực hiện trên 34 bệnh nhân (75,56%). Tỉ lệ tử vong là 15,56% và tàn tật nặng 51,72% sau theo dõi 3 tháng. Kết quả GOS (Glasgow Outcome Scale) có mối tương quan khá chặt chẽ (r=0,504) có ý nghĩa thống kê (p =0,0004< 0,05) với Glasgow Come Scale (GCS) trước mổ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh nhân đột quỵ CMN sau phẫu thuật có tỉ lệ tử vong cao, điểm Glasgow trước mổ là một yếu tố liên quan chặt chẽ đến tỉ lệ tử vong và kết quả xấu khi ra viện.

Xem file

Từ khóa: Chảy máu não, phẫu thuật, Glasgow Coma Scale (GCS), Glasgow Outcome Scale (GOS)