Bộ Giáo dục và Đào tạo: Năm 2023, thì sinh chỉ cần đăng kí xét tuyển Đại học theo mã ngành

3
04/04/2023

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Năm 2023, thí sinh chỉ cần đăng kí xét tuyển đại học theo mã ngành

Để giảm thiểu sai sót, tạo thuận lợi cho thí sinh khi xét tuyển đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến từ mùa tuyển sinh năm 2023, thí sinh chỉ cần đăng kí xét tuyển theo mã ngành, không cần đăng kí theo phương thức xét tuyển.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT.

Báo Lao Động có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT để đưa ra những lưu ý với thí sinh và các trường đại học, nhằm đảm bảo công tác tuyển sinh năm nay diễn ra thuận lợi, vì mục tiêu đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Mùa tuyển sinh năm 2023 sẽ có những điểm mới nào, bà muốn lưu ý tới các thí sinh?

 Đối với thí sinh, năm 2023 cần đặc biệt lưu ý nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh do các trường công bố để nắm được quy trình và phương thức xét tuyển của các trường. Ngoài ra, các em cần lưu ý năm nay là năm đầu tiên Bộ GDĐT áp dụng quy định mới về điểm ưu tiên.

Theo đó, đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30), điểm ưu tiên sẽ giảm dần. Với những thí sinh áp dụng điểm ưu tiên ở khu vực, các em sẽ chỉ áp dụng trong 2 năm liên tiếp. Năm ngoái, chúng ta nói rất nhiều đến vấn đề kỹ thuật trong tuyển sinh, đặc biệt là các phần mềm kỹ thuật phục vụ công tác tuyển sinh.

Năm nay, vấn đề này sẽ được Bộ GDĐT cải tiến ra sao để giúp các trường an tâm hơn, thí sinh bớt đi lo lắng?

Khắc phục những tồn tại, vướng mắc từ năm trước, năm 2023, hệ thống phần mềm tuyển sinh được cập nhật, hoàn thiện, sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Đồng thời, phần mềm cũng sẽ được rà soát để giảm thiểu tối đa các sai sót mà các em có thể mắc phải trong quá trình đăng ký xét tuyển.

Ngoài ra, có một thông tin quan trọng với thí sinh là năm nay các em sẽ đăng ký xét tuyển theo ngành chứ không đăng ký xét tuyển theo phương thức như các năm trước. Trong một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, năm ngoái có nhiều em đăng ký nhầm phương thức, dẫn đến việc không được công nhận trúng tuyển.

Để tạo thuận lợi cho thí sinh, năm nay, thí sinh chỉ cần đăng ký vào ngành mà em yêu thích, mong muốn, còn lại phần mềm sẽ hỗ trợ các em để có được kết quả tốt nhất.

Năm nay có rất nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng, với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ GDĐT sẽ có kiểm tra, rà soát thế nào để các kỳ thi riêng giảm bớt áp lực cho học sinh và xã hội?

Đối với kỳ thi riêng được quy định rõ trong quy chế tuyển sinh, nhằm tạo điều kiện cho các trường trong việc thực hiện tự chủ.

Tuy nhiên, nếu nhiều kỳ thi riêng quá sẽ làm cho thí sinh hoang mang. Chúng tôi khuyến cáo, thí sinh chỉ nên tham dự một đến hai kỳ thi riêng, chứ không nên tham gia quá nhiều. Đặc biệt, hầu hết các trường, các ngành đều có chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu các em tập trung toàn lực để thi thật tốt kỳ thi quan trọng này thì chúng ta sẽ có cơ hội để đỗ vào trường đại học mong muốn.

Bộ GDĐT cũng khuyến cáo các trường nên phối hợp tổ chức, tránh việc mỗi trường lại tổ chức kỳ thi riêng lẻ. Việc phối hợp sẽ tận dụng được nguồn lực và tránh lãng phí, áp lực cho thí sinh. Các trường cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi của các trường khác, như đánh giá năng lực, tư duy để xét tuyển chứ không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi riêng của trường mình.

Những mùa tuyển sinh trước, ngoài phương thức xét tuyển bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì các trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ. Thực tế, năm 2022, điểm chuẩn của phương thức xét tuyển này tăng cao, có ngành điểm chuẩn trên 30 điểm. Dư luận đặt ra vấn đề “lạm phát điểm chuẩn”.

Trong mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GDĐT có khuyến cáo, giải pháp gì để việc xét tuyển bằng học bạ đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh?

Tất cả các trường khi đưa ra phương thức xét tuyển thì đều tính đến hiệu quả của phương thức. Mỗi trường cần chủ động so sánh kết quả tuyển sinh đầu vào với kết quả học tập của các em trong trường để có căn cứ đưa ra chỉ tiêu xét tuyển phù hợp ở những năm sau.

Việc tuyển sinh theo nguyên tắc xét từ cao xuống thấp, nên các em tốt nhất, giỏi nhất sẽ được tuyển sinh trước và đến khi đủ điều kiện. Nếu các em có kết quả học tập tốt qua tất cả các năm thì sẽ thể hiện kết quả học bạ cao, các trường sẽ tuyển được học sinh phù hợp.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng khuyến cáo các trường nên sử dụng nhiều phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp THPT hay các điều kiện khác. Việc xét tuyển kết hợp như vậy sẽ giúp các trường lựa chọn được thí sinh phù hợp nhất với tiêu chí đào tạo của mình.

– Cảm ơn bà đã chia sẻ!