Hướng dẫn gửi bài Tạp chí Khoa học và Công nghệ

457
22/06/2023

1. TRƯỚC KHI GỬI BÀI

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Hòa Bình, sau đây gọi tắt là Tạp chí, trân trọng cảm ơn quý tác giả đã chọn gửi bài viết đến Tạp chí. Trước khi gửi bài viết, Tác giả cần kiểm tra kỹ các thông tin sau:

  1. Tác giả cam kết bài viết không được gửi cùng lúc nhiều tạp chí và chưa từng được xuất bản tại các tạp chí, kỷ yếu khoa học, ấn phẩm khác ở dạng tóm tắt hay toàn văn (dưới dạng bản in hay bản điện tử). Tác giả không gửi bài viết đến các tạp chí, ấn phẩm có xuất bản khác cho đến khi có quyết định cuối cùng từ Tòa soạn (không được xét duyệt xuất bản).
  2. Bài viết được gửi đến Tòa soạn phải tuân thủ đúng phạm vi, mục đích mà Tạp chí đã công bố. Bài viết là các công trình nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh thuộc các lĩnh vực Kinh tế và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Quản lý Giáo dục; Khoa học Sức khỏe; Mỹ thuật Công nghiệp và Kiến trúc.
  3. Bài viết được gửi đến Tòa soạn phải tuân thủ đúng thể lệ của bài viết mà Tạp chí đã công bố. Tạp chí khuyến khích tác giả tham khảo Mẫu bản thảo được công bố bởi Tạp chí. Tác giả vui lòng đánh số các dòng để thuận tiện cho quá trình phản biện và chỉnh sửa bài viết.
  4. Tác giả cung cấp cho Tạp chí các thông tin sau:
    • Thông tin tác giả (nhóm tác giả);
    • Các thông tin về xung đột lợi ích tiềm ẩn;
    • Đề xuất chuyên gia phản biện phù hợp (nếu có).
  5. Bài viết phải tuân thủ các chính sách mà Tạp chí đã công bố.
    • Chính sách nộp bài: Bài viết được gửi thông qua email hoặc Gửi bài trực tuyến của Tạp chí.

+ Trong trường hợp bài viết là công trình nghiên cứu của tập thể các tác giả, số lượng, thứ tự và vai trò của tác giả đối với bài viết được liệt kê trên bài viết sự thống nhất của tập thể tác giả. Tác giả có tên xuất hiện đầu tiên trong danh sách tác giả được xem là tác giả chính của bài viết. Các tác giả còn lại là đồng tác giả của bài viết. Tác giả đại diện liên lạc với Tòa soạn để trao đổi các vấn đề liên quan đến việc gửi, chỉnh sửa, biên tập, và xuất bản bài viết có thể là tác giả chính, hoặc là tác giả bất kỳ. Việc xác định tác giả liên lạc (tác giả liên hệ – corresponding author) là do tập thể tác giả quyết định và chịu trách nhiệm. Sau khi bài viết bước vào giai đoạn biên tập, bất kỳ sự bổ sung, xóa bỏ hoặc sắp xếp lại tên tác giả trong danh sách tác giả đều không được chấp nhận (trừ trường hợp có lý do chính đáng và được thông báo đến Tòa soạn bằng văn bản).

+ Tác giả có quyền tác giả theo pháp luật về Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam và theo luật pháp quốc tế phù hợp với pháp luật Việt Nam.

  • Chính sách về đạo đức: Các bài viết sẽ được kiểm tra đạo văn về tính trùng lắp nghiên cứu. Tác giả tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bài viết, sử dụng tài liệu, dữ liệu, hình ảnh, bản quyền bài viết. Các xung đột lợi ích cần phải được công bố rõ ràng, cụ thể, bao gồm: các xung đột về tiêu chuẩn đạo đức và sở hữu trí tuệ, vai trò của tác giả, lợi ích, chính sách của Tạp chí.
  • Chính sách phản biện: Tạp chí thực hiện quy trình phản biện kín hai chiều. Các tác giả cần đảm bảo sự bảo mật trên tất cả các tài liệu, các nội dung phản biện, biên tập do Toà soạn chuyển cho tác giả. Trong một số trường hợp cần thiết, nếu được yêu cầu, tác giả cần công khai hỗ trợ cung cấp các dữ liệu nghiên cứu cho Tạp chí nhằm mục đích phản biện hoặc nâng cao chất lượng của bài viết.
  • Mẫu TC-02: Mẫu phản biện bài báoChính sách biên tập và xuất bản: Tác giả cần phải phối hợp và hỗ trợ để chỉnh sửa, hoàn thiện bài viết theo các yêu cầu của Phản biện cũng như của Ban Biên tập. Khi trao đổi/phản hồi về các nhận xét của chuyên gia Phản biện/Ban Biên tập, các tác giả nên sử dụng ngôn ngữ không gây xúc phạm và mang tính xây dựng. Sau khi bài viết được chấp thuận đăng, tác giả liên hệ (corresponding author) chịu trách nhiệm về tính chính xác của tất cả nội dung trong bài viết, bao gồm thông tin của tất cả các tác giả. Sau khi xuất bản, tác giả liên hệ là đầu mối cho tất cả các vấn đề liên quan đến bài báo đã xuất bản.

    2. THỂ LỆ BÀI VIẾT

    QUY ĐỊNH ĐĂNG BÀI TRÊN TẠP CHÍ

    Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Hòa Bình đăng tải và công bố các bài viết, công trình nghiên cứu, kết quả nghiên cứu khoa học; trao đổi các nội dung có giá trị khoa học và thực tiễn; phương pháp tiếp cận các vấn đề khoa học mới; giới thiệu các thành tựu khoa học và kỹ thuật mới trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực kinh tế, quản lý, khoa học công nghệ, mỹ thuật ứng dụng, sức khỏe và một số lĩnh vực khác có liên quan của các nhà  khoa học, nhà quản lý và cán bộ giảng dạy, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trong cả nước.

    Tạp chí xuất bản 03 tháng/ kỳ và phát hành rộng rãi trên toàn quốc.

    I. Điều kiện đăng bài

    1. Bài gửi đăng có nội dung phù hợp với tôn chỉ và mục đích hoạt động của Tạp chí, chưa đăng ở một ấn phẩm khác.

    2. Bài báo đã thông qua phản biện; đã chỉnh sửa theo ý kiến (nếu có) của phản biện và của Ban Biên tập.

    3. Bài báo đã được biên tập và được Tổng Biên tập duyệt đăng.

    4. Đối với các bài báo không thông qua phản biện: được biên tập lại (nếu có) bởi các biên tập viên được phân công, được xác nhận lại của tác giả và được Tổng Biên tập duyệt đăng.

    II. Thể lệ gửi bài

    1. Bài viết có thể gửi trực tiếp tại văn phòng hoặc được gửi thông qua email của Tạp chí và phải tuân thủ theo quy định được hướng dẫn tại website của Tạp chí. Bài viết bằng tiếng Việt, soạn thảo trên Word, font Times New Roman (Unicode); cỡ chữ 12; trên khổ giấy A4; lề trên: 2,0 cm, lề dưới 2,0 cm, lề trái: 3,0 cm, lề phải: 2,0 cm; giãn dòng: 1,2.

    2. Nội dung bài viết cô đọng, súc tích, theo cấu trúc của bài viết khoa học; không quá 10 trang đánh máy; trường hợp đặc biệt, Tổng Biên tập sẽ quyết định.

    3. Cuối bài viết, ghi rõ họ tên, học vị, chức danh, địa chỉ liên hệ (có số điện thoại di động và hộp thư điện tử), đơn vị công tác để thuận lợi cho việc liên lạc trao đổi thông tin. Ban Biên tập không gửi lại tác giả bản thảo và các thông tin có liên quan nếu bài không được duyệt đăng và sẽ phản hồi qua thư điện tử lý do không được đăng.

    4. Tòa soạn nhận bài viết của tác giả liên tục trong năm.

    Địa chỉ gửi bài viết: Viện Nghiên cứu Khoa học, Trường Đại học Hòa Bình, số 8, Bùi Xuân Phái, Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

    Điện thoại: 024 3787 1901

    Email: tapchikhcn@daihochoabinh.edu.vn

    3. QUY TRÌNH

    Tất cả các quy trình (gửi bài, phản biện, biên tập, xuất bản) đều được thực hiện thông qua email hoặc trang web trực tuyến của Tạp chí. Đối với mỗi giai đoạn, bản thảo sẽ được xử lý trong một khoảng thời gian nhất định do Tạp chí quy định và cam kết.

    3.1. Quy trình nhận bản thảo và sơ duyệt

    Bản thảo là một bài nghiên cứu hoàn chỉnh được thể hiện dưới dạng một bản thảo khoa học nên bao gồm đầy đủ các thành phần của bản thảo khoa học. Bản thảo phải được nộp trên hệ thống trực tuyến của Tạp chí theo đúng lĩnh vực của bản thảo. Bản thảo phải tuân thủ đúng tôn chỉ, phạm vi và thể lệ, chính sách nộp bài mà Tạp chí đã công bố;

    Tác giả cam kết bản thảo không được gửi cùng lúc nhiều tạp chí và chưa từng được xuất bản tại các tạp chí, ấn phẩm khác;

    Bản thảo phải thông qua quá trình sơ duyệt và thỏa mãn các yêu cầu về các nội dung sơ duyệt (phù hợp với tôn chỉ, phạm vi, và thể lệ) để tiếp tục các bước tiếp theo.

    Quy trình nhận bản thảo được thực hiện qua các bước sau:

    Bước 1: Nhận bản thảo từ Tác giả thông qua email hoặc hệ thống nộp bài trực tuyến của Tạp chí.

    Bước 2: Thông tin về việc Tạp chí đã nhận bản thảo bằng email.

    Bước 3: Tòa soạn sẽ thực hiện việc sơ duyệt bản thảo đã nhận trong thời gian tối đa là 3 ngày. Quá trình sơ duyệt bao gồm các nội dung sau đây:

    – Về sự phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi của Tạp chí đã được công bố;

    – Về sự tuân thủ các chính sách gửi bài, phản biện, biên tập mà Tạp chí đã công bố;

    – Về sự phù hợp với thể lệ của bản thảo đã được công bố (file bản thảo (độ dài, font chữ); tiêu đề, tóm tắt, từ khóa bằng tiếng Anh và tiếng Việt; bảng, hình, số liệu; trích dẫn; hình thức & các lỗi chính tả);

    – Về các thông tin cần cung cấp của Tác giả (họ tên, học hàm-học vị, nơi công tác, chức vụ, email và số điện thoại lạc), và các cam kết khác mà Tạp chí yêu cầu.

    Kết quả sơ duyệt:

    – Trường hợp 1: Đáp ứng đầy đủ tất cả các nội dung sơ duyệt được nêu ở phần trên, Toà soạn gửi email thông tin kết quả về việc nhận bản thảo của tác giả. Thời điểm này được tính là thời gian nhận bài.

    – Trường hợp 2: Nếu bản thảo không đáp ứng về sự phù hợp một trong các nội dung nói trên hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin của các Tác giả, và các cam kết khác mà Tạp chí yêu cầu, bản thảo sẽ không được chấp thuận nhận bài.

    + Bổ sung, điều chỉnh, nộp lại: Trong trường hợp không phù hợp về thể lệ hoặc thiếu các thông tin do Toà soạn yêu cầu cung cấp, cam kết thì sẽ được Toà soạn phản hồi với nội dung đề nghị Tác giả bổ sung, điều chỉnh, nộp lại. Chu kỳ sẽ được lặp lại cho đến khi bản thảo được Toà soạn xác nhận với Tác giả bằng email. Thời gian này là thời gian nhận bài chính thức được ghi nhận.

    + Từ chối: Nếu không phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoặc với phạm vi của Tạp chí đã được công bố; hoặc đã lặp lại quy trình mà bản thảo vẫn không đáp ứng được các nội dung sơ duyệt; hoặc tác giả từ chối chỉnh sửa theo yêu cầu sơ duyệt của Toà soạn.

    3.2. Quy trình phản biện bản thảo

    Sau khi bản thảo đã qua sơ duyệt, bản thảo bắt đầu qua công đoạn phản biện.

    Bước 1: Tạp chí khuyến khích các đề xuất từ phía tác giả về các chuyên gia phản biện phù hợp. Tổng Biên tập phân công hoặc phân quyền cho Trưởng Ban Biên tập mời người phản biện trên cơ sở danh sách phản biện đã được Tổng Biên tập phê duyệt. Thời gian phản hồi của Trưởng Ban Biên tập và của người phản biện tối đa là 03 ngày.

    Bước 2: Tạp chí thực hiện chính sách phản biện kín hai chiều. Tác giả và người phản biện sẽ được ẩn danh. Các thông tin trao đổi giữa phản biện và tác giả được thực hiện thông qua Tòa soạn.

    Giai đoạn phản biện được tính từ khi người phản biện chấp nhận lời mời thực hiện công tác phản biện từ Tòa soạn. Thời gian tối đa cho một người hoàn thành một lần phản biện một bài báo vòng một là 10 ngày, vòng hai là 07 ngày (trừ các các trường hợp đặc biệt).

    Bước 3: Sau khi có kết quả phản biện thứ nhất – vòng một. Dựa vào đề xuất của phản biện, Trưởng Ban Biên tập được phân quyền, hoặc Tổng Biên tập quyết định kết quả bản thảo với bốn lựa chọn:

    1.  Chấp nhận bản thảo mà không cần chỉnh sửa;
    2.  Cần chỉnh sửa và nộp lại;
    3.  Cần chỉnh sửa và nộp để phản biện lại (vòng hai);
    4.  Từ chối bản thảo.

    Một lần phản biện cho một bản thảo có thể có một hoặc hai vòng phản biện dựa trên đề xuất của phản biện thứ nhất và do Tổng Biên tập (hoặc phân quyền cho Trưởng Ban Biên tập) quyết định.

    Tác giả có thể theo dõi kết quả phản biện, được thể hiện trên mục trạng thái của bản thảo. Đồng thời, Toà soạn sẽ gửi email về kết quả phản biện – quyết định của Tổng Biên tập (một trong bốn lựa chọn) kèm theo các nội dung yêu cầu phải chỉnh sửa, (nếu là các lựa chọn (2), (3) và lý do từ chối nếu là lựa chọn (4)).

    Bước 4: Tác giả thực hiện việc chỉnh sửa, trao đổi với Tòa soạn:

    1. Chấp nhận bản thảo mà không cần chỉnh sửa: Tác giả không cần chỉnh sửa.

    2. Cần chỉnh sửa và nộp lại: Tác giả phải thực hiện việc chỉnh sửa bản thảo theo các nội dung yêu cầu trong thời gian quy định là 10 ngày. Các bản chỉnh sửa của bản thảo phải kèm theo bản phản hồi/trao đổi từng điểm đối với tất cả các nhận xét của chuyên gia phản biện và Tòa soạn. Bản thảo sẽ được xét duyệt bởi Trưởng Ban Biên tập được phân quyền, hoặc Tổng Biên tập để đảm bảo rằng các yêu cầu của chuyên gia phản biện và Tạp chí được đáp ứng đầy đủ.

    3. Cần chỉnh sửa và nộp để phản biện lại (vòng hai): Tác giả phải thực hiện việc chỉnh sửa bản thảo theo các nội dung yêu cầu trong thời gian quy định là 10 ngày. Các bản chỉnh sửa của bản thảo phải kèm theo bản phản hồi/trao đổi từng điểm đối với tất cả các nhận xét của chuyên gia phản biện và Tòa soạn. Phản biện vòng hai được thực hiện tương tự như chu trình phản biện vòng một. Trong trường hợp bản thảo được đánh giá bởi hai hoặc ba chuyên gia phản biện thì quy trình như phản biện thứ nhất.

    4. Từ chối bản thảo.

    Một bài báo có thể có từ một, hai, hoặc ba người phản biện. Thời gian phản biện của các phản biện là song song hoặc nối tiếp do Tổng Biên tập hoặc Trưởng Ban Biên tập được phân quyền quyết định cho mỗi bản thảo. Trong trường hợp bản thảo nhận được nhiều sự đánh giá trái chiều, Tổng Biên tập sẽ đưa ra quyết định để mời một chuyên gia phản biện thứ ba cho bản thảo đó. Một bài báo có thể có một hoặc hai vòng phản biện do đề xuất của phản biện vòng 1 và do Tổng Biên tập, hoặc phân quyền cho Trưởng Ban Biên tập quyết định.

    Tất cả các quyết định của Tổng Biên tập hoặc Trưởng Ban Biên tập về các kết quả phản biện đều được thông báo đến tác giả bằng email.

    Sau khi bản thảo đã hoàn thành công đoạn phản biện, bản thảo tiếp tục bước vào công đoạn biên tập sau phản biện.

    3.3. Quy trình biên tập bản thảo

    Để nâng cao chất lượng của các bản thảo, sau khi quá trình phản biện kết thúc, bản thảo đã tiếp tục các công đoạn của quy trình biên tập, bao gồm: biên tập sau phản biện và kiểm tra/soát lỗi.

    Để quá trình biên tập được thuận lợi và nhanh chóng hơn, Tạp chí khuyến khích các tác giả tuân thủ đúng các Thể lệ bản thảo và Mẫu bản thảo được công bố bởi Tạp chí.

    Bước 1: Biên tập sau phản biện

    Ở giai đoạn này, ngoài những yêu cầu hiệu chỉnh bản thảo theo đúng thể lệ bản thảo mà Tạp chí đã công bố, Tạp chí sẽ thực hiện kiểm tra tính tương đồng (đạo văn) của bản thảo, đưa ra kết luận về bản thảo trên cơ sở kết quả tính tương đồng và thông báo kết quả đến tác giả; hoặc đề nghị tác giả rà soát, chỉnh sửa để bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn của tính tương đồng. Tác giả cần hợp tác với Tòa soạn để chỉnh sửa theo các yêu cầu của Tạp chí. Tác giả liên lạc sẽ đại diện nhóm tác giả trao đổi với Tòa soạn về các chỉnh sửa đã được thực hiện theo các yêu cầu của phản biện cũng như của Tạp chí. Ngày gửi lại các hiệu chỉnh bản thảo là ngày mà Tác giả hoàn thành việc chỉnh sửa theo tất cả yêu cầu của Tạp chí và nộp lại Toà soạn (thời gian chỉnh sửa là 10 ngày kể từ khi nhận được các nội dung chỉnh sửa từ Tòa soạn).

    Bước 2: Kiểm tra/ Soát lỗi (Biên tập trước duyệt đăng và xuất bản)

    Tác giả cần rà soát bản thảo, bảo đảm rằng bản thảo đảm bảo đủ các điều kiện để duyệt đăng. Việc rà soát bản thảo cuối cùng được thực hiện trong thời gian tối đa 03 ngày (trừ một số trường hợp đặc biệt). Tác giả liên hệ đại diện nhóm tác giả chịu trách nhiệm về tính chính xác tất cả các nội dung trong bản thảo cũng như thông tin các đồng tác giả.

    3.4. Quy trình xuất bản bản thảo

    Sau khi hoàn thành bước biên tập trước công đoạn duyệt đăng và xuất bản, bản thảo tiếp tục qua công đoạn duyệt đăng và xuất bản.

    Khi các bản thảo đều đủ điều kiện đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Hòa Bình, các bản thảo sẽ được tập hợp để duyệt đăng và lên kế hoạch dự kiến xuất bản (xuất bản bản in, số đăng, số thứ tự trong bài) trình Tổng Biên tập phê duyệt xuất bản. Thời gian Tổng Biên tập ký duyệt đăng chính là thời gian được ghi nhận trên mục thông tin bản thảo. Trong quá trình biên tập bản thảo, Tạp chí sẽ thông báo đến tác giả liên hệ thông báo qua e-mail về ngày dự kiến xuất bản bản in.

    Tạp chí sẽ thực hiện công tác xuất bản. Các công việc dàn trang, chuyển file cho nhà in, kiểm tra bản ma-ket, xác nhận bản in, kiểm duyệt, nộp lưu chiểu, phát hành.

    Sau khi bài báo được xuất bản bản in, mỗi tác giả sẽ nhận được một quyển tạp chí.

    4. CẤU TRÚC VÀ TRÌNH BÀY CỦA BÀI BÁO GỬI TỚI TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÒA BÌNH

    I. KẾT CẤU VÀ CÁC THÀNH PHẦN NỘI DUNG CỦA BÀI BÁO

    1. Tên bài báo (Title)

    Tên bài viết Tiếng Việt có độ dài vừa phải, thường từ 10 – 15 từ, phản ánh trực tiếp nội dung của bài báo. Tên bài báo phải viết chữ in hoa, cỡ chữ 14, in đậm, căn giữa trang. Tên bài báo bằng Tiếng Anh (Title): chữ in hoa, cỡ chữ 12, in đậm và nghiêng, căn giữa trang.

    2. Tên tác giả và đơn vị công tác

    – Tên tác giả (in đậm, căn lề bên phải, cỡ chữ 12), riêng tên tác giả liên lạc cần kèm theo hòm thư điện tử để thuận tiện cho việc liên hệ.

    – Đơn vị công tác (in nghiêng, căn lề bên phải, cỡ chữ 12).

    3. Thông báo thời gian tiếp nhận và xử lý bài báo

    Gồm: Ngày nhận, Ngày nhận bản sửa, Ngày duyệt đăng.

    4. Cấu trúc và Nội dung chính bài báo

    Cấu trúc của bài báo/ công trình công bố gồm 08 phần: 1. Tên bài viết; 2. Tóm tắt bài viết; 3. Từ khóa; 4. Giới thiệu hoặc đặt vấn đề; 5. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu; 6. Kết quả và thảo luận; 7. Kết luận hoặc (và) khuyến nghị giải pháp; 8. Tài liệu tham khảo.

    4.1. Tên bài viết (Title)

    Tên bài viết cần phải ngắn gọn (không nên quá 20 từ), rõ ràng và phải phản ánh nội dung chính của bài viết.

    4.2. Tóm tắt bài viết (Abstract)

    Phần tóm tắt phải viết ngắn gọn thành một đoạn văn (tối đa 160 từ), phản ánh khái quát những nội dung chính trong bài viết và thể hiện rõ những kết quả, đóng góp, điểm mới của bài viết.

    Đối với các bài viết tiếng Việt, tác giả được yêu cầu cung cấp thêm tên bài và phần tóm tắt (bao gồm cả từ khóa) dịch sang tiếng Anh và được trình bày ngay dưới phần tóm tắt tiếng Việt.

    Tóm tắt bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh đều có cỡ chữ 11, chữ thường và in nghiêng, căn đều hai bên.

    4.3. Từ khóa (Keywords)

    Từ khóa là những từ được cho là quan trọng đối với nội dung nghiên cứu đặc trưng cho chủ đề của bài viết đó. Tác giả cần đưa ra 3 đến 5 từ khoá của bài viết theo thứ tự alphabet và thể hiện đặc trưng cho chủ đề của bài viết.

    4.4. Giới thiệu hoặc đặt vấn đề (Introduction)

    Phần giới thiệu (hoặc đặt vấn đề) cần thể hiện:

    – Lý do thực hiện nghiên cứu này và tầm quan trọng của chủ đề nghiên cứu (có ý nghĩa như thế nào về mặt lý luận và thực tiễn);

    – Xác định vấn đề nghiên cứu;

    – Nội dung chính mà bài viết sẽ tập trung giải quyết.

    4.5. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu (Literature review, Theoretical framework and Methods)

    Nội dung phần này cần:

    – Trình bày rõ tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý thuyết liên quan;

    – Khung lý thuyết hoặc khung phân tích sử dụng trong bài viết;

    – Tác giả có thể lựa chọn phương pháp nghiên cứu định tính hoặc định lượng, hoặc cả hai tùy theo cách tiếp cận mà mình lựa chọn, trong đó cần thể hiện mô hình và các giả thuyết nghiên cứu (nghiên cứu định lượng) và/hoặc thiết kế nghiên cứu định tính, cũng như các phương pháp thu thập dữ liệu.

    4.6. Kết quả và thảo luận (Results and discussion)

    Phần này cần:

    – Diễn giải, phân tích các kết quả phát hiện mới;

    – Rút ra mối quan hệ chung, mối liên hệ giữa kết quả nghiên cứu của tác giả với những phát hiện khác trong các nghiên cứu trước đó;

    – Đối với một số dạng bài viết mang tính chất tư vấn, phản biện chính sách, ý kiến chuyên gia… phần này có thể chỉ tập trung vào đánh giá thực trạng vấn đề nghiên cứu (đánh giá thành tựu, hạn chế và nguyên nhân…).

    4.7. Kết luận hoặc (và) khuyến nghị giải pháp (Conclusions or/and policy implications)

    Tùy theo mục tiêu nghiên cứu, các bài viết cần có kết luận và đưa ra giải pháp hay khuyến nghị cho các nhà quản lý doanh nghiệp và/hoặc các nhà hoạch định chính sách xuất phát từ kết quả nghiên cứu.

    4.8. Tài liệu tham khảo (Reference)

    Tác giả chỉ liệt kê các tài liệu đã trích dẫn trong bài viết. Các hình thức trích dẫn và trình bày danh mục tài liệu tham khảo được quy định cụ thể tại mục 3 Phần II thuộc Phụ lục 2.

    Trên đây là các thành phần và cách trình bày chuẩn của một bài báo khoa học. Bài viết gửi đăng tạp chí bắt buộc phải có các thành phần 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8. Thành phần 5 không bắt buộc nhưng khuyến khích.

    II. CÁC QUY ĐỊNH KỸ THUẬT TRÌNH BÀY

    1. Quy định đánh số đề mục

    Trong phần nội dung chính của bài viết, các đề mục lớn phải là chữ đậm, canh trái và được đánh số liên tục theo chữ số A-rập. Các tiểu mục cấp 1 (ví dụ: 2.1) là chữ đậm, in nghiêng, và các tiểu mục cấp 2 (ví dụ: 2.1.1) là chữ in nghiêng không in đậm.

    2. Quy định trình bày bảng biểu, hình vẽ

    Các bảng dữ liệu trình bày trong bài viết được ghi thống nhất là Bảng. Các bảng dữ liệu phải là định dạng bảng (table) trong phần mềm Microsoft Word.

    Các đồ thị, biểu đồ, sơ đồ trong bài được ghi thống nhất là Hình. Các đồ thị/biểu đồ được xây dựng từ phần mềm Microsoft Excel thì tác giả cần gửi kèm file gốc excel của đồ thị/biểu đồ đó. Với các hình được làm bằng các chương trình đồ họa (Corel Draw, Adobe Photoshop…) thì tác giả đính kèm file gốc. Với các hình dạng ảnh (photo), yêu cầu là file JPEG, TIF có độ phân giải không dưới 300 dpi.

    Các bảng, biểu, đồ thị và hình vẽ nên được trình bày đen trắng.

    Các bảng và hình trong bài viết phải được đánh số riêng biệt và theo thứ tự liên tục bằng chữ số A-rập, số thứ tự được đặt sau từ “Bảng” hoặc “Hình” (ví dụ: Bảng 1, Bảng 2, Hình 1, Hình 2). Mỗi bảng/hình cần phải có tên tương ứng mô tả chính xác nội dung của bảng/hình. Số thứ tự và tên bảng /hình được đặt ở vị trí phía trên cùng của bảng/hình đó theo phương chiều ngang, chữ in đậm.

    Các bảng/hình trong bài viết phải được viện dẫn nguồn. Nguồn được đặt dưới cùng của bảng/hình, chữ trình bày in nghiêng không in đậm.

    Các ghi chú cũng cần được đưa vào để giải thích thêm cho bảng/hình trong trường hợp cần thiết.

    3. Quy định trình bày trích dẫn và danh mục tài liệu tham khảo

    Trích dẫn tài liệu tham khảo là một yêu cầu bắt buộc đối với các nghiên cứu. Việc thể hiện các trích dẫn tài liệu tham khảo có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá độ chuyên sâu và tính nghiêm túc của nghiên cứu. Vì vậy, trích dẫn tài liệu tham khảo phải được trình bày đúng quy chuẩn.

    Trích dẫn tài liệu tham khảo được chia làm 2 dạng chính: trích dẫn trong bài (in-text reference) và danh mục tài liệu tham khảo (reference list).

    Danh mục tài liệu tham khảo được đặt cuối cùng bài viết, mỗi trích dẫn trong bài viết (in-text reference) nhất thiết phải tương ứng với danh mục nguồn tài liệu được liệt kê trong danh sách tài liệu tham khảo.

    * Trích dẫn trong bài (in-text reference) bao gồm các thông tin sau:

    – Họ tên tác giả/tổ chức;

    – Năm xuất bản tài liệu;

    – Trang tài liệu trích dẫn (đối với trích dẫn nguyên văn).

    Có 2 cách chủ yếu trình bày trích dẫn trong bài viết:

    + Trích dẫn nguyên văn: sao chép chính xác từ ngữ, câu, đoạn văn mà tác giả dùng. Câu trích dẫn nguyên văn phải được để trong dấu ngoặc kép và bắt buộc phải ghi cả số trang của nguồn trích.

    + Trích dẫn diễn giải: diễn giải câu chữ của tác giả khác bằng câu chữ của mình, sử dụng từ ngữ khác mà không làm khác đi nghĩa nguyên gốc. Khi trích dẫu kiểu diễn giải thì không bắt buộc phải ghi số trang.

    * Danh mục tài liệu tham khảo (Reference)

    Danh mục tài liệu tham khảo được đặt cuối bài viết, được bắt đầu bằng tiêu đề “Tài liệu tham khảo”, tiếp theo liệt kê tài liệu tham khảo (sách, bài báo, nguồn ấn phẩm điện tử…) được sắp xếp thứ tự Alphabet theo họ tác giả, tên bài viết/ấn phẩm không có tác giả. Chỉ liệt kê các tài liệu tham khảo được trích dẫn trong bài.

    4. Quy chuẩn cách viết cụm từ viết tắt, chữ viết hoa, định dạng ngày tháng, định dạng con số, ghi chú

    4.1. Viết tắt

    Từ ngữ, thuật ngữ, tên địa danh tiếng Việt không được phép viết tắt. Ví dụ: phải viết đầy đủ “Thành phố Hồ Chí Minh” chứ không viết “Tp HCM”.

    Từ ngữ, thuật ngữ và tên tổ chức bằng tiếng Anh được phép viết tắt, bao gồm cả tổ chức của Việt Nam có tên tiếng Anh. Các từ viết tắt chỉ được sử dụng sau khi chúng được tác giả giới thiệu sau cụm từ đầy đủ ở lần xuất hiện đầu tiên trong bài viết. Ví dụ: World Bank (WB) hoặc Small and medium-sized enterprises (SMEs), Tổng cục Thống kê (GSO),…

    Các đơn vị đo lường thông dụng cũng được sử dụng ngay mà không cần giới thiệu. Ví dụ: km, cm, m.

    Lưu ý: Đối với các thuật ngữ hoặc tên tổ chức có từ tiếng Việt tương đương thì có thể dùng từ tiếng Việt ở lần xuất hiện đầu tiên, sau đó chú thích viết tắt. Ví dụ: Ngân hàng Thế giới (WB); Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI);…

    4.2. Chữ viết hoa

    Các trường hợp điển hình bao gồm (nhưng không giới hạn):

    – Tên các cơ quan tổ chức;

    – Tên các cá nhân;

    – Tên các tổ chức hay thể chế được dùng trong cụm từ mà nó có vai trò là tính từ bổ nghĩa thì không viết hoa. Ví dụ: Kinh tế nhà nước (ở đây không viết hoa từ “nhà nước”).

    4.3. Định dạng ngày tháng

    – Định dạng ngày tháng tiếng Việt: ngày… tháng… năm…. Ví dụ: ngày 2 tháng 9 năm 1945 (không viết 2/9/1945);

    – Định dạng ngày tháng tiếng Anh: tháng, ngày, năm (ví dụ: October, 3rd 2010).

    4.4. Định dạng con số

    Định dạng con số trong tiếng Việt: dấu phẩy (,) được biểu trưng cho nhóm dãy số thập phân; dấu chấm (.) biểu trưng cho phân nhóm các dãy số hàng đơn vị, hàng chục hàng trăm hàng nghìn…

    Ví dụ: 200,233 đồng (được hiểu: 200 phẩy 233 đồng); 200.233 đồng (được hiểu: 200 nghìn 233 đồng).

    Định dạng con số trong tiếng Anh: ngược lại với tiếng Việt: dấu phẩy (,) được biểu trưng cho phân nhóm các dãy số hàng đơn vị, hàng chục hàng trăn hàng nghìn…; Dấu chấm (.) biểu trưng cho cho nhóm dãy số thập phân.

    4.5. Đơn vị đo lường

    Sử dụng hệ metric phổ biến tại Việt Nam. Nếu tác giả sử dụng các đơn vị thuộc hệ khác thì cần quy đổi sang hệ metric. Ví dụ: Đoạn đường này dài 10 dặm (tương đương khoảng 16,1km).

    4.6. Tên riêng

    Tên riêng của cá nhân, tổ chức, quốc gia hay địa danh được viết theo chuẩn tiếng Anh, trừ trường hợp tên đó đã có cách phiên âm khác đang được dùng phổ biến. Ví dụ:

    – Theo chuẩn tiếng Anh: Philippines, Malaysia, Myanmar,…

    – Tên Hán – Việt: Pháp, Mỹ, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Luân Đôn, Bắc Kinh,…

    – Phiên âm từ tiếng Nga: Gruzia (thay cho Georgia), Latvia (thay cho Lithuania)

    4.7. Đơn vị tiền tệ

    Viết đầy đủ tên đồng tiền bằng tiếng Việt ở lần xuất hiện đầu tiên, sau đó chú thích và viết tắt 3 chữ cái theo chuẩn quốc tế. Ví dụ: “Đồng Yên Nhật Bản (JPY) hôm nay tăng giá thêm 10%”, hoặc “Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm giá đồng Việt Nam (VND) thêm 10%”.

    4.8. Ghi chú (notes)

    Các ghi chú được đặt cuối bài viết, trước danh sách tài liệu tham khảo, được bắt đầu bằng tiêu đề “Các ghi chú”. Mỗi ghi chú phải được đánh số theo thứ tự tăng dần (1, 2, 3,…) và phải tương ứng với số đánh ghi chú trong nội dung bài viết.

    Các ghi chú phải ngắn gọn, chỉ sử dụng trong trường hợp thật cần thiết. Lưu ý: Không sử dụng ghi chú cuối trang (footnote).

    5. MẪU THÔNG TIN TÁC GIẢ, PHẢN BIỆN BÀI BÁO

    Mẫu TC-01: Thông tin tác giả

    Tên tác giả thứ nhất: In thường, không viết tắt
    Đơn vị công tác:  
    Đồng tác giả:  
    Đơn vị công tác:  
    Học hàm/học vị: Viết tắt trước tên tác giả
    Đơn vị công tác: Ghi đầy đủ chức danh và đơn vị công tác
    Ngày gửi bài: Ghi ngày gửi bài cho Tạp chí
    Thông tin liên lạc:

    (Chỉ cần ghi của tác giả thứ nhất)

    Địa chỉ: Ghi cụ thể để Ban Thư ký gửi tặng Tạp chí
    Email:  
    Điện thoại DĐ:  
    Thông tin tài khoản

    (để chuyển khoản tiền nhuận bút – nếu có):

    Tên tài khoản:  
    Số tài khoản:  
    Tên ngân hàng:  
    Tiêu đề bài báo  tiếng Việt In hoa
    Tiêu đề bài báo  tiếng Anh In thường
    Tóm tắt bằng tiếng  Việt   Không quá 160 từ
    Tóm tắt bằng tiếng   Anh  
    Số từ của bài báo: Số từ của toàn bộ bài báo, không bao gồm tóm tắt, bảng biểu, phụ  lục và chú thích hình ảnh
    Ghi chú:  

    Mẫu TC-02: Mẫu phản biện bài báo

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÒA BÌNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Tên bài báo: …………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….

Họ và tên người nhận xét: ………………………………………………………………………………….

Hoc hàm, hoc vị: ………………………………………………………………………………………………

Chuyên ngành:…………………………………………………………………………………………………….

Đơn vị công tác: …………………………………………………………………………………………………

Điện thoại: CQ… ………………………………. DĐ…………………………………………………………

I. Phần nhận xét
1. Tóm tắt nội dung bài viết  
2. Những kết quả nghiên cứu mới  
3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn  
4. Các nội dung chính của bài viết có bị trùng lặp không?  
5. Tính độc đáo  
6. Độ dài bài báo  
7. Bố cục (tóm tắt, ngôn ngữ,…)  
8. Cách trình bày (chính xác, hình ảnh, bảng biểu, trích dẫn…)  
9. Tài liệu tham khảo  
10. Kết luận
  • Chấp nhận
  • Sửa lại (Không phản biện)
  • Sửa lại (Trình phản biện)
  • Không chấp nhận
II. Yêu cầu sửa lại cho đúng
1. Tóm tắt  
2. Từ khóa/Keyword  
3. Tính cấp thiết  
4. Cơ sở lý luận  
5. Phương pháp nghiên cứu  
6. Kết quả nghiên cứu  
7. Kết luận và thảo luận  
8. Bố cục  
9. Tài liệu tham khảo  
10. Cách trình bày  

 

Ngày     tháng     năm 2023

Người nhận xét

 (Ký tên và ghi rõ họ, tên, học hàm, học vị)